CÁCH VIẾT THƯ CỦA NGƯỜI NHẬT
Nhật Bản là một trong những nước vẫn gìn giữ truyền thống viết thư tay cho đến hiện tại. Việc viết thư trong văn hóa Nhật Bản mang một ý nghĩa sâu sắc và quan trọng. Đó không chỉ là việc truyền đạt thông điệp, mà còn thể hiện sự tôn trọng, tình cảm và lòng biết ơn. Việc viết thư cũng là một cách để tạo và duy trì mối quan hệ, bất kể là trong gia đình, bạn bè hay đối tác. Nó thể hiện sự kết nối tinh thần và tạo cơ hội để truyền đạt tâm tình, suy nghĩ và kỷ niệm.
Việc viết thư không chỉ đơn giản là giao tiếp, mà còn là một phần quan trọng của văn hóa, truyền thống Nhật Bản. Nó thể hiện sự kết nối với quá khứ và là một cách để duy trì tinh thần của văn hóa Nhật Bản, thể hiện sự tỉ mỉ và tâm huyết trong từng từ ngữ và thiết kế bức thư.
1. Đối tượng nhận thư:
- Nhật Bản là nơi mà người dân rất coi trọng thứ bậc xã hội, phép tắc, lễ nghĩa. Chúng ta có các mối quan hệ như: sensei – senpai – kohai, sếp – nhân viên, người già – người trẻ, con cái – cha mẹ… Mối quan hệ, thứ bậc giữa bạn với người đối diện quyết định cách cư xử, cách nói chuyện và cả cách viết thư nữa.
- Có 3 loại thư chính tùy thuộc vào mối quan hệ giữa người viết và người nhận.
+ Thư thân mật: viết cho bạn bè, senpai hoặc những người có thứ bậc thấp hơn.
+ Thư bình thường: viết cho giáo viên, bạn bè (khi muốn nhờ giúp đỡ) và những người có thứ bậc cao hơn.
+ Thư trang trọng: viết cho những người chưa quen, người có thứ bậc cao hơn (khi muốn nhờ giúp đỡ).
2. Phong bì thư
Khác với Việt Nam thường chỉ có 1 loại phong bì và bất kể thư nào cũng có thể bỏ vào và gửi đi. Tuy nhiên, ở Nhật Bản không đơn giản như vậy, từ phong bì, thể thức viết thư, mực viết… cũng khác nhau tùy vào mục đích viết thư của bạn.
- Thư thông thường: phong bì trắng, không có trang trí, thư viết tay, ngang/dọc đều được.
- Thư thương mại (gửi cho đối tác làm ăn): viết ngang, đánh máy (ký tên bằng tay).
- Thư cá nhân: viết cho người trên, viết dọc, viết tay.
- Thư gửi cho người trên: dùng phong bì trắng.
- Nếu viết tay, sử dụng bút mực đen hoặc xanh.
- Không sử dụng bút chì hoặc bút dạ màu.
- Các phong thư chúc mừng (postcard) chỉ nên dùng vào đúng dịp lễ (ví dụ Noel hay có các phong thư trang trí hình cây thông hay ông già tuyết), ngoài ra thì chỉ nên dùng các phong thư bình thường.
3. Quy tắc viết thư
3.1. Thư dọc
Viết thư theo lối dọc là kiểu thư truyền thống của người Nhật, gần như khi viết thư dạng này phải viết tay, thường áp dụng cho các bức thư cá nhân, riêng tư. Người Nhật cho rằng viết ngang mang lại cảm giác lạnh lùng và thiếu tính cá nhân. Bạn cũng sẽ bắt gặp rất nhiều lần cách viết dọc này được sử dụng (như trong các bằng khen, báo,…).
- Mở đầu (Opening): Mở đầu thư sẽ thường là “Kính gửi…” (拝啓 - はいけい) hoặc “Trước hết” (前略 - ぜんりゃく).
- Lời tựa mở đầu (Set Expression #1): Ngay sau phần người nhận là phần đặt lời tựa. Đây thường là những câu định trước liên quan đến thời tiết, sức khỏe, v.v…
- Nội dung (Content): Viết những gì bạn muốn trình bày, chú ý đến cách sử dụng từ ngữ cho hợp lí (thể lịch sự/ trang trọng). Đây là phần duy nhất không có mẫu cố định.
- Lời tựa kết thúc (Set Expression #2): Sau khi viết hết những gì bạn muốn trình bày, chúng ta lại viết một câu tựa nữa. Thường là chúc sức khỏe người nhận và mong họ những điều tốt đẹp.
- Kết thư (Closing): Đây là lúc viết “Trân trọng…“ (敬具 - けいぐ) hoặc “Kính chúc…” ( 草々 - そうそう). Phần mở đầu và kết thúc thường được sử dụng cùng 1 cặp từ, vì vậy hãy tuân thủ quy tắc.
- Ngày (Date): Phần ngày tháng sẽ viết nhỏ hơn những chữ bên tay phải, sử dụng hệ thống đếm của Nhật, nên ghi bằng chữ thay vì số, ví dụ 十二月二十四日 ( tương đương12月24日)
- Tên bạn/ người gửi (Your name): Viết tên người gửi, viết lùi xuống dưới cùng.
- Tên người nhận (Addressee’s Name): Nằm ở bên trái phần ngày tháng và tên bạn, cỡ chữ lớn hơn phần ngày tháng nhưng nhỏ hơn các chữ khác nằm bên tay phải.
- Tái bút (PostScript): Đây là phần tùy chọn. Trong tiếng Nhật, “tái bút” (追伸 - ついしんhoặc 二伸 - にしん), được viết phía bên trái tên người nhận, thẳng hàng với phần nội dung chính. Phần Tái bút không thường sử dụng trong lối văn trang trọng, các loại thư khác nếu không cần thiết thì cũng không nên dùng.
3.2. Thư ngang
- Ngày (Date): Nằm ở phía trên cùng bên phải. Sử dụng chữ số bình thường, ví dụ 12月25日
- Tên người nhận (Addressee’s Name): Viết tên người nhận, đừng quên hậu tố (san, chan, sensei, …), tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với người nhận.
- Lời tựa mở đầu (Set Expression #1): Ngay sau phần người nhận là phần đặt lời tựa. Đây thường là những câu định trước liên quan đến thời tiết, sức khỏe, v.v…
- Nội dung (Content): Viết những gì bạn muốn chia sẻ, thông điệp của mình, chú ý đến cách sử dụng từ ngữ cho hợp lí.
- Lời tựa kết thúc (Set Expression #2): Sau khi viết hết những gì bạn muốn trình bày, chúng ta lại viết lời tựa kết thúc. Thường là chúc sức khỏe người nhận và mong họ những điều tốt đẹp.
- Tên bạn/ người gửi (Your name): Nằm ở cuối bức thư, bên phải. Điều này thể hiện sự tôn trọng và tỉ mỉ trong việc viết thư.
3.3. Địa chỉ
- Nhật Bản sử dụng đơn vị hành chính 都道府県 To-dou-fu-ken, bao gồm:
+ Có một To 都 là 東京都 Tokyo-to
+ Có hai Fu 府 là 京都府 Kyoto-fu và 大阪府 Osaka-fu
+ Có một Dou 道 là 北海道 Hokkaido
+ Có 43 Ken 県 tương đương với tỉnh ở Việt Nam, ví dụ Saitama-ken, Chiba-ken, v.v…
- Nhỏ hơn ken là 市町村 Shi-chou-son. Ở Tokyo có thêm Ku 区 là “quận”
- Phần địa chỉ được ghi dưới dạng:
+ 東京都 B区 C x-y-z
+ 東京都 B市 C x-y-z
+ 東京都 B市 C x-y
+ [京都府/大阪府] [B区/B市] [C x-y-z / C x-y]
+ A県 B市 C x-y
+ [Tên tòa nhà] [Số phòng] + [Địa chỉ] (Trong đó X-Y-Z là 3 số bên trong khu phố: X là tên 丁目 (choume, khu phố số X), Y là tên 番地 (banchi, cụm số Y), còn Z là 号 (gou, địa chỉ cụ thể của nhà/tòa nhà).
Viết thư là nét đẹp văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về văn hóa truyền thống Nhật Bản cũng như có thể áp dụng được khi làm việc hoặc sinh sống tại đất nước này.
Liên hệ tư vấn giải đáp thắc mắc:
CÔNG TY TNHH MTV QUỐC TẾ THANH NIÊN – TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC THANH NIÊN
Địa chỉ: 1/3 Tân Thới Nhất 13, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 028 36200 831 - Hotline: 0986 550 474 (zalo)
Website: www.thanhnienacademy.edu.vn
Fanpage: Du Hoc Nhat Ban Thanh Nien
Facebook: Nhat Anh Ho